Chất lượng hình ảnh tốt là ưu tiên hàng đầu để có một website đẹp mắt. Song song với đó, bạn cũng cần lưu ý về kích thước hình ảnh để không làm website tải chậm. Vậy chọn định dạng ảnh nào để vừa đảm bảo cả hai yếu tố đó, bạn đã biết chưa? Cùng đọc bài viết này để biết rõ đặc điểm của các định dạng ảnh và dùng đúng định dạng ảnh cho từng loại hình ảnh trên website, bạn nhé!

Tìm hiểu các định dạng hình ảnh cho website hiện nay

GIF

Định dạng ảnh GIF được sử dụng trong các icon động hay các yếu tố đồ hoạ nhỏ trên website.
Định dạng ảnh GIF được sử dụng trong các icon động hay các yếu tố đồ hoạ nhỏ trên website.

GIF là viết tắt của cụm từ Graphics Interchange Format. Ảnh GIF gây ấn tượng với người xem qua những hiệu ứng động mà nó tạo ra. Tất cả các trình duyệt web hiện đại và các thiết bị đều hỗ trợ ảnh GIF. Do đó, nó được sử dụng trong các icon động hay các yếu tố đồ hoạ nhỏ trên website.

Tuy nhiên, định dạng GIF có bảng màu hạn chế, chỉ hỗ trợ tối đa 256 màu nên không còn đáp ứng được các ảnh có dải màu rộng và ảnh chất lượng cao như hiện nay. Còn các ảnh GIF có hiệu ứng chuyển động phức tạp thường có dung lượng lớn gây ảnh hưởng đến tốc độ tải trang. Vì vậy, chỉ nên sử dụng các hình ảnh động ngắn hoặc các hiệu ứng đơn giản trên website.

SVG

Định dạng ảnh SVG
Định dạng ảnh SVG

SVG là viết tắt của cụm từ Scalable Vector Graphics. Định dạng SVG có rất nhiều ưu điểm khi sử dụng cho website như:

  • Kích thước tệp nhỏ: So với các định dạng hình ảnh raster (bitmap) như JPEG, PNG, SVG mang định dạng đồ hoạ vector có kích thước tệp nhỏ hơn. Vì vậy, sử dụng định dạng SVG sẽ giúp giảm thời gian tải trang và tiết kiệm băng thông cho website.
  • Độ phân giải không giới hạn: Bạn có thể phóng to hoặc thu nhỏ hình ảnh định dạng SVG mà không lo ảnh bị giảm chất lượng. Vì vậy, định dạng SVG sẽ giúp hình ảnh hiển thị tốt trên nhiều kích thước màn hình khác nhau.
  • Khả năng tuỳ biến cao: Bạn có thể thực hiện các chỉnh sửa như thay đổi màu sắc, kích thước, hiệu ứng và các thuộc tính khác bằng CSS hoặc JavaScript.
  • Tương thích với hầu hết trình duyệt hiện đại.
  • Cải thiện SEO: Các công cụ tìm kiếm có thể đọc được nội dung trong tệp SVG giúp cải thiện SEO cho trang web. Bạn cần thêm metadata và mô tả vào các tệp SVG, đảm bảo các nội dung trong ảnh SVG liên quan đến nội dung trang web.

Tuy nhiên, định dạng SVG có thể chứa mã JavaScript. Vì vậy, hãy sử dụng các tệp SVG từ nguồn đáng tin cậy để tránh các rủi ro bảo mật.

Định dạng SVG phù hợp cho loại ảnh nào?

Định dạng SVG sẽ phù hợp với các icon, logo, biểu đồ, đồ thị, bản đồ, hình ảnh chứa hiệu ứng hay animation, các hình minh họa cần độ sắc nét cao trên website. Với những hình ảnh phức tạp có nhiều chi tiết và màu sắc, sử dụng định dạng SVG sẽ khiến ảnh có kích thước lớn làm giảm hiệu suất tải trang.

JPG

JPG hay JPEG là viết tắt của cụm từ Joint Photographic Experts Group. JPG là định dạng chuẩn cho các hình ảnh chụp từ ống kính máy ảnh.

JPG/JPEG là định dạng chuẩn cho các hình ảnh chụp từ ống kính máy ảnh.
JPG/JPEG là định dạng chuẩn cho các hình ảnh chụp từ ống kính máy ảnh.

Ưu điểm của định dạng JPG với website

Đa số các hình ảnh trên website đều sử dụng định dạng JPG do nó sở hữu các ưu điểm sau:

  • Kích thước tệp nhỏ: Định dạng JPG có kích thước tệp nhỏ hơn định dạng PNG giúp tiết kiệm dung lượng lưu trữ cho website. Bạn còn có thể nén hình ảnh JPG mà chất lượng hình ảnh vẫn được giữ ở mức ổn. Nhờ đặc điểm này mà bạn có thể sử dụng định dạng JPG cho các banner và ảnh quảng cáo để đạt tốc độ tải nhanh chóng.
  • Định dạng JPG tương thích với hầu hết trình duyệt và thiết bị đảm bảo hình ảnh hiển thị tốt trên mọi nền tảng.
  • Chất lượng hình ảnh cao: Định dạng JPG hỗ trợ hàng triệu màu nên là định dạng lý tưởng cho các ảnh chụp, ảnh có độ phân giải cao, ảnh có độ chuyển màu phức tạp và ảnh có nhiều chi tiết.

Nhược điểm của định dạng JPG

Bên cạnh đó, định dạng JPG cũng có một số nhược điểm bạn cần lưu ý như:

  • Giảm chất lượng ảnh khi nén quá nhiều: Khi nén hình ảnh JPG quá nhiều, chất lượng hình ảnh sẽ giảm. Bạn sẽ thấy rõ điều này với các hình ảnh chứa văn bản hoặc các chi tiết sắc nét. Thêm vào đó, khi đã nén thì hình ảnh sẽ không thể khôi phục lại về trạng thái ban đầu nữa.
  • Không hỗ trợ ảnh trong suốt: Định dạng JPG không hỗ trợ nền trong suốt. Vì vậy, các logo, icon (thương hiệu), element nổi bật, ảnh nền website hoặc những hình ảnh cần tách nền trên website sẽ không phù hợp với định dạng này.
  • Không phù hợp với hình ảnh đồ hoạ: Các hình ảnh đồ hoạ có đường viền sắc nét hay các khối màu đơn giản mang định dạng JPG khi nén có thể bị mờ đi hoặc biến dạng các chi tiết.

PNG

Định dạng PNG hỗ trợ dải màu rộng phù hợp với ảnh có độ chuyển màu phức tạp.
Định dạng PNG hỗ trợ dải màu rộng phù hợp với ảnh có độ chuyển màu phức tạp.

PNG là viết tắt của cụm từ Portable Network Graphics. Định dạng PNG hỗ trợ dải màu rộng phù hợp với ảnh có độ chuyển màu phức tạp. Khác với JPG, PNG khi nén sẽ không làm mất dữ liệu gốc. Do đó, cho dù bạn có nén quá nhiều hay lưu lại nhiều lần thì chất lượng ảnh PNG vẫn không giảm. Định dạng PNG còn hỗ trợ nền trong suốt phù hợp với các logo, icon thương hiệu hay chữ cái cần đặt ở nhiều nơi mà không lo bức ảnh bị lộ viền trắng.

PNG có kích thước ảnh khá lớn nhưng đi kèm với đó là chất lượng ảnh rất cao. Bạn nên hạn chế sử dụng quá nhiều ảnh PNG trên website để không làm ảnh hưởng đến tốc độ tải trang.

Tóm lại, bạn nên sử dụng định dạng PNG cho logo, icon, các hình ảnh đồ họa, biểu đồ website cần độ trong suốt tốt và các hình ảnh có các vùng màu sắc đơn giản, ảnh chụp màn hình. Các ảnh chụp hoặc hình ảnh phức tạp không cần nền trong suốt nên ưu tiên sử dụng định dạng JPG hơn.

WebP

WebP là định dạng ảnh hiện đại do Google phát triển dành cho website nhằm cải thiện những hạn chế của các định dạng cũ.
WebP là định dạng ảnh hiện đại do Google phát triển dành cho website nhằm cải thiện những hạn chế của các định dạng cũ.

WebP là định dạng ảnh hiện đại do Google phát triển dành cho website nhằm cải thiện những hạn chế của các định dạng trước đó. Kích thước ảnh của tệp WebP nhỏ hơn đáng kể so với JPG và PNG nhưng chất lượng hình ảnh vẫn cao. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật nén mất dữ liệu như JPG thì WebP còn hỗ trợ kỹ thuật nén không mất dữ liệu, bạn có thể yên tâm khi tối ưu hoá kích thước tệp WebP. Tương tự như PNG, WebP cũng hỗ trợ nền trong suốt. Thêm vào đó, WebP còn hỗ trợ ảnh động với kích thước tệp nhỏ hơn và chất lượng tốt hơn so với định dạng GIF.

Với những tính năng trên, WebP hỗ trợ rất tốt cho website. Hiện nay, Google cũng khuyến khích các trang web sử dụng định dạng này để cải thiện hiệu suất cho website cũng như vị trí của website trên bảng xếp hạng tìm kiếm. Tuy nhiên, WebP vẫn có vài nhược điểm. Đó là: Một số công cụ và phần mềm chỉnh sửa ảnh không hỗ trợ WebP. Điều này, đôi khi sẽ gây bất tiện cho người dùng. Thêm vào đó, do sinh sau đẻ muộn nên một số trình duyệt cũ và Safari (các phiên bản trước iOS 14) không hỗ trợ định dạng này. Bạn cần có định dạng khác dự phòng thay thế cho WebP khi gặp trình duyệt không hỗ trợ.

AVIF

Định dạng ảnh AVIF đang dần trở thành tiêu chuẩn mới cho hình ảnh trên website.
Định dạng ảnh AVIF đang dần trở thành tiêu chuẩn mới cho hình ảnh trên website.

AVIF là định dạng hình ảnh hiện đại sử dụng công nghệ nén AV1 mang lại nhiều ưu điểm vượt trội hơn các định dạng khác. Các ưu điểm nổi bật của định dạng AVIF như:

  • Kích thước tệp nhỏ: AVIF có hiệu suất nén tốt hơn cả JPG và WebP. Cùng một kích thước tệp thì chất lượng hình ảnh AVIF có thể cao hơn hoặc tương đương với hình ảnh ở định dạng WebP.
  • Chất lượng hình ảnh cao: AVIF cũng hỗ trợ cả nén mất dữ liệu và không mất dữ liệu như WebP. Thêm vào đó, AVIF còn hỗ trợ dải màu rộng (HDR) và độ sâu màu lên đến 12 bit mang lại hình ảnh chất lượng cao với màu sắc chính xác.
  • Hỗ trợ nền trong suốt
  • Hỗ trợ ảnh động với kích thước tệp nhỏ hơn và chất lượng tốt hơn WebP.

AVIF có nhiều đặc điểm vượt trội hơn các định dạng trước đó. Vì vậy, AVIF đang dần trở thành tiêu chuẩn mới cho hình ảnh trên website. Tuy nhiên, AVIF là định dạng ra đời sau cả WebP nên những trình duyệt cũ sẽ không hỗ trợ định dạng này. Với Safari thì chỉ từ phiên bản IOS 16 trở đi mới hỗ trợ định dạng AVIF. Bạn cần có định dạng khác dự phòng thay thế cho AVIF khi gặp trình duyệt không hỗ trợ.

Nên chọn định dạng hình ảnh nào để tối ưu cho website?

Để tối ưu cho website bạn cần chọn định dạng hình ảnh có kích thước nhỏ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh. Các loại định dạng mà Puramu đã liệt kê ở trên đều sử dụng được cho website. Trong đó, AVIF có kích thước nhỏ nhất, tiếp theo đó là WebP. Vì thế, bạn nên ưu tiên sử dụng 1 trong 2 định dạng này cho tất cả hình ảnh trên website kèm theo định dạng thay thế dự phòng cho các trình duyệt không hỗ trợ định dạng đó. Ngoài ra, với logo, icon, favicon, biểu đồ và đồ hoạ vector thì sử dụng định dạng SVG là phù hợp và lý tưởng nhất.

Qua bài viết này, Puramu đã giúp bạn biết rõ các thông tin của các định dạng ảnh rất đỗi quen thuộc với bạn. Thêm vào đó, bạn đã có thể biết cách chọn loại định dạng ảnh phù hợp cho các loại hình ảnh trên website. Trong bài viết sau, Puramu sẽ giới thiệu bạn các plugin tối ưu hoá hình ảnh. Các plugin này cũng giúp bạn chuyển định dạng ảnh sang 2 định dạng ảnh tốt nhất cho website là AVIF và WebP luôn. Nhớ theo dõi nhé!