Chứng chỉ SSL/TLS là chứng chỉ rất cần thiết và quan trọng với website hiện nay. Bạn cần mua chứng chỉ này ngay khi hoàn thiện thiết kế website. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về chứng chỉ SSL/TLS là gì và cách chọn chứng chỉ SSL/TLS phù hợp với website nhất. Cùng đọc nhé!
Chứng chỉ SSL/TLS là gì?
Trước khi tìm hiểu về “chứng chỉ SSL/TLS là gì?” chúng ta cùng xem qua định nghĩa của “SSL là gì?” và “TLS là gì?” trước nhé!
SSL là gì?
SSL là viết tắt của cụm từ tiếng anh Secure Sockets Layer. SSL là tiêu chuẩn của công nghệ bảo mật đời đầu. SSL được sử dụng để mã hoá dữ liệu trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa máy chủ web và trình duyệt của khách hàng. Các dữ liệu được mã hoá sẽ không thể đọc được hoặc không có ý nghĩa nếu không có khóa giải mã chính xác. Vì thế, đảm bảo các thông tin được bảo mật, an toàn và toàn vẹn.
TLS là gì?
TLS là viết tắt của cụm từ tiếng anh Transport Layer Security. TLS là một giao thức bảo mật phát triển từ SSL với các cải tiến đáng kể về bảo mật và hiệu suất. Nó hoạt động theo cách tương tự như SSL. Hiện nay, TLS đã chiếm ngôi của SSL, trở thành tiêu chuẩn mới cho bảo mật truyền thông trên internet. Các chứng chỉ SSL hiện nay đều sử dụng TLS để bảo mật nhưng do thói quen và sự quen thuộc, mọi người vẫn gọi là “chứng chỉ SSL” hoặc số ít gọi là “chứng chỉ SSL/TLS” thay vì chứng chỉ TLS.
Tóm lại, chứng chỉ SSL/TLS là gì?
Tóm lại thì chứng chỉ SSL/TLS là chứng chỉ số dùng để mã hoá dữ liệu trao đổi của website thông qua giao thức TLS. Sử dụng chứng chỉ SSL/TLS cho website là cách để bảo vệ dữ liệu website và cả thông tin của khách hàng. Khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch mua hàng, đăng nhập tài khoản hay nhập thông tin cá nhân trên website của bạn. Chứng chỉ SSL/TLS còn cho phép người dùng kiểm tra tính xác thực thông tin của website. Nhờ đó, nâng cao độ tin cậy và minh bạch của website đối với khách hàng.
Tầm quan trọng của SSL với website
Dưới đây là một số lý do chính khiến cho SSL quan trọng với website hơn bao giờ hết:
1. Mã hóa dữ liệu, bảo mật thông tin người dùng
Nếu như trang web không được bảo vệ bởi chứng chỉ SSL, dữ liệu truyền đi sẽ được gửi dưới dạng văn bản rõ ràng. Do đó, bất cứ thiết bị trung gian nào như máy tính, router, switch và điểm truy cập không dây,… đặt giữa trình duyệt và máy chủ web đều có thể đọc được dữ liệu. Lúc này, các dữ liệu nhạy cảm như: số thẻ tín dụng, tên tài khoản và mật khẩu, thông tin cá nhân của người dùng có nguy cơ bị đánh cắp rất cao.
Chứng chỉ SSL giúp giải quyết vấn đề này bằng cách mã hoá để bảo vệ dữ liệu truyền giữa máy chủ web và trình duyệt của người dùng. Dữ liệu được mã hóa bằng khóa công khai nhưng chỉ có thể giải mã được bằng khóa riêng tư tương ứng. Do đó, đảm bảo dữ liệu đến được đúng tay người nhận đã được chỉ định từ trước, ngăn chặn các kẻ tấn công giả mạo máy chủ thật như cuộc tấn công MITM.
2. Tăng độ tin cậy và uy tín
Xác minh danh tính là quy trình bắt buộc khi đăng ký SSL. Doanh nghiệp chọn mức độ xác minh càng cao thì website có thể thể hiện tính minh bạch với người dùng càng rõ. Do đó, trang web sử dụng SSL sẽ tăng độ uy tín cho trang web trong mắt người dùng, đặc biệt là với các trang thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính trực tuyến. Hơn thế nữa, nó còn cho thấy doanh nghiệp coi trọng bảo mật và quyền riêng tư của khách hàng. Từ đó, xây dựng lòng tin và lòng trung thành của khách hàng với doanh nghiệp.
3. Cải thiện thứ hạng tìm kiếm
Kể từ năm 2014, Google đã xem SSL/TLS là một trong những tiêu chí xếp hạng website trong thuật toán của mình. Các trang web được bảo vệ bởi SSL/TLS có thể được xếp hạng cao hơn so với các website không có bảo mật SSL/TLS. Thêm vào đó, cảnh báo bảo mật với những website không sử dụng SSL của các trình duyệt hiện nay còn làm tăng tỉ lệ người dùng thoát trang cao. Vì thế, trang bị bảo mật SSL/TLS cho website rất cần thiết để website chuẩn SEO và đạt thứ hạng cao trên bảng kết quả tìm kiếm.
4. Tích hợp cổng thanh toán trực tuyến vào website
Website cần có chứng chỉ SSL để đủ điều kiện tích hợp cổng thanh toán trực tuyến vào website. Đây là quy định của tiêu chuẩn bảo mật PCI DSS được áp dụng trên toàn thế giới. PCI DSS yêu cầu mọi tổ chức xử lý, lưu trữ hoặc truyền dẫn thông tin thẻ tín dụng phải sử dụng mã hóa để bảo vệ dữ liệu này, đảm bảo các giao dịch thanh toán diễn ra an toàn.
SSL hoạt động như thế nào?
Để dễ hiểu, Puramu sẽ tóm gọn quy trình hoạt động của SSL thành 5 bước sau:
- Bước 1: Người dùng kết nối với máy chủ và thiết lập kết nối SSL/TLS.
- Bước 2: Máy chủ gửi về cho trình duyệt chứng chỉ SSL và khoá công khai.
- Bước 3: Trình duyệt kiểm tra tính hợp lệ của chứng chỉ (ngày hết hạn, chứng chỉ có thuộc về tên miền đang được truy cập không,…). Nếu chứng chỉ hợp lệ, trình duyệt sẽ gửi một mã khoá phiên đến cho máy chủ web.
- Bước 4: Máy chủ web xác thực mã khoá phiên và dùng khoá đó để mã hoá toàn bộ dữ liệu được gửi đến người dùng.
- Bước 5: Người dùng sử dụng mã khoá phiên đã có, giải mã các nội dung được gửi từ máy chủ web.
Quy trình này được diễn ra liên tục và lặp lại trong suốt quá trình người dùng sử dụng website. Mỗi lần người dùng thiết lập một kết nối SSL mới thì đều tạo ra những mã khoá mới.
Đây là một quy trình toàn vẹn nhằm đảm bảo rằng bất cứ ai, bất cứ thiết bị nào ở giữa người dùng và máy chủ web đều không thể đọc được thông tin được truyền qua lại nếu không có được mã khoá.
Dấu hiệu nhận biết website có sử dụng chứng chỉ SSL là gì?
Để nhận biết website có sử dụng chứng chỉ SSL/TLS hay không, bạn hãy nhìn xem trên thanh địa chỉ trình duyệt có biểu tượng ổ khóa và URL bắt đầu bằng “HTTPS” hay không. Nếu có, trang web đó đang sử dụng chứng chỉ SSL/TLS để bảo mật. Bạn còn có thể nhấp vào biểu tượng ổ khoá để xem thông tin xác thực của website và tổ chức CA cấp chứng chỉ. Lưu ý rằng: Với trình duyệt Chrome, bạn cần nhấp vào biểu tượng “điều chỉnh” để tìm biểu tượng ổ khoá. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các trình duyệt đều cảnh báo bảo mật với người dùng khi họ truy cập vào trang web không có chứng chỉ SSL. Vì thế, nếu bạn vào website mà không gặp cảnh báo bảo mật thì bạn có thể yên tâm truy cập trang web đó.
Ai xác thực chứng chỉ SSL/TLS?
Certificate Authority (CA) chính là tổ chức phát hành và xác thực chứng chỉ số SSL/TLS. CA thực hiện nhiệm vụ cấp chứng chỉ, quản lý chứng chỉ, thu hồi chứng chỉ và gia hạn chứng chỉ theo yêu cầu đăng ký từ người dùng. CA sẽ xác thực danh tính của đối tượng đăng ký chứng chỉ (doanh nghiệp hoặc tên miền) nhằm tạo ra một môi trường trao đổi thông tin tin cậy trên Internet.
Một số CA lớn và có tiếng như: Let’s Encrypt, Symantec, GoDaddy, Comodo và DigiCert. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ SSL đóng vai trò là bên trung gian, kết nối người dùng Việt Nam với các CA quốc tế, giúp việc sử dụng chứng chỉ số SSL trở nên dễ dàng hơn.
Tìm hiểu các loại chứng chỉ SSL và chọn ra gói SSL phù hợp với website
Khi cân nhắc mua chứng chỉ SSL, bạn sẽ thấy có nhiều gói SSL khác nhau với nhiều cái tên khác như: DV SSL, OV SSL, SANs,… và băn khoăn không biết lựa chọn loại nào cho phù hợp. Đừng lo! Ngay bây giờ Puramu sẽ giải thích cho bạn hiểu.
Trước tiên, bạn cần lưu ý rằng: Tất cả các chứng chỉ SSL hiện nay hầu hết đều cung cấp một mức độ bảo mật giống nhau cho trang web cho dù là chứng chỉ SSL miễn phí, chứng chỉ SSL giá rẻ hay chứng chỉ SSL đắt tiền. Sự khác biệt duy nhất giữa các chứng chỉ nằm ở mức độ xác minh danh tính cũng như số lượng tên miền hỗ trợ. Ngoài ra, các chứng chỉ SSL có phí sẽ đi kèm với dịch vụ hỗ trợ và bảo hiểm rủi ro nếu thông tin bị rò rỉ.
Tiếp theo, có 2 khái niệm mà bạn phải lưu ý trong quá trình chọn SSL:
- Các loại SSL: SSL có nhiều loại. Puramu sẽ giải thích về từng loại ở bên dưới. Các loại chứng chỉ SSL khác nhau sẽ có số lượng tên miền có thể được bảo mật khác nhau.
- Mức độ xác minh (validation levels): Khái niệm này thể hiện mức độ xác minh mà tổ chức cấp SSL sẽ xác minh website, doanh nghiệp của bạn. Nó không ảnh hưởng đến chức năng của SSL nhưng nó có thể làm khách hàng cảm thấy website đáng tin cậy hơn khi biết chứng chỉ có mức độ xác minh cao.
Các loại SSL
Single Domain SSL
Single Domain SSL chỉ có thể dùng để bảo mật cho một tên miền duy nhất kèm theo các trang con của nó (bạn có thể xem hình minh hoạ bên dưới cho dễ hiểu). Đây thường là loại SSL có giá thành rẻ nhất do phạm vi bảo mật không nhiều. Tuy nhiên nó rất phù hợp cho các website nhỏ, các website không sử dụng tên miền con (subdomain).
Wildcard SSL
Wildcard SSL có thể dùng để bảo mật cho tên miền chính, kèm theo tất cả các tên miền con (subdomain) của tên miền chính (bạn có thể xem hình minh hoạ bên dưới cho dễ hiểu). Loại SSL này sẽ phù hợp cho những website có sử dụng nhiều tên miền con. Còn nếu bạn chỉ có 1 hoặc 2 tên miền con, đôi khi bạn có thể mua 1 hoặc 2 Single Domain SSL với mức giá thấp hơn so với Wildcard SSL.
Multi-Domain SSL Certificates (MDC) hoặc Subject Alternative Name (SAN)
Một MDC hoặc SAN có thể dùng để bảo mật một tên miền chính và các tên miền con của nó (không phải tất cả). Không những thế, nó còn có thể dùng để bảo mật các tên miền khác và tên miền con của các tên miền khác (bạn có thể xem hình minh hoạ bên dưới cho dễ hiểu). Tuy nhiên, số lượng tên miền được bảo vệ sẽ bị giới hạn tuỳ theo nhà cung cấp. Với một MDC hoặc SAN bạn có thể linh động hơn trong việc sử dụng SSL nhờ việc sử dụng một chứng chỉ SSL duy nhất cho nhiều website khác nhau.
Các mức độ xác minh SSL
Domain Validation (DV SSL)
Domain Validation (DV SSL) hay còn gọi là xác thực tên miền. Đây là mức độ xác minh thấp nhất. Tổ chức cung cấp chứng chỉ sẽ chỉ xác minh quyền sở hữu tên miền để cấp chứng chỉ SSL, không yêu cầu bất cứ giấy tờ nào. Do đó, quá trình xác minh trang web diễn ra nhanh chóng, thường chỉ mất vài phút. Nhìn chung, DV SSL sẽ phù hợp với trang web nhỏ đến vừa hay cá nhân cần mức độ tin cậy ở mức cơ bản hoặc đang cần gấp chứng chỉ SSL cho website.
Organization Validation (OV SSL)
Organization Validation (OV SSL) hay còn gọi là xác thực tổ chức. Đây là mức độ xác minh cao hơn DV SSL. OV SSL không chỉ xác minh quyền sở hữu của tên miền mà còn yêu cầu xác minh danh tính và thông tin tổ chức sở hữu trang web. Do đó, doanh nghiệp phải cung cấp tài liệu pháp lý, tài liệu kinh doanh theo yêu cầu để chứng minh doanh nghiệp là một thực thể hợp lệ và đang hoạt động.
OV SSL sẽ phù hợp với tổ chức hay doanh nghiệp sở hữu trang web tích hợp thanh toán trực tuyến hay thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Extended Validation (EV SSL)
Extended Validation (EV SSL) hay còn gọi là xác thực mở rộng. Đây là mức độ xác thực SSL cao nhất và tạo được độ tin cậy tối đa cho người dùng. Vì thế nên quá trình xác minh danh tính tổ chức rất nghiêm ngặt và chi tiết. Điển hình, CA sẽ xác minh pháp lý, hoạt động và địa chỉ kinh doanh của tổ chức.
Khi website đã được xác thực ở mức độ này, tất cả mọi người đều có thể xem tên của tổ chức/công ty sở hữu website và tên của CA đã cấp chứng chỉ bằng cách nhấp vào biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ trình duyệt. Danh tính của doanh nghiệp được xác thực và được hiển thị rõ ràng như vậy giúp người dùng cảm thấy an tâm và tin cậy khi truy cập vào website.
EV SSL sẽ đặc biệt phù hợp với các trang web thương mại điện tử, ngân hàng hay các trang web cần mức độ tin cậy cao từ khách hàng và đối tác.
Bài viết đến đây là hết rồi! Puramu đã cung cấp tất cả các thông tin về chứng chỉ SSL/TLS. Chứng chỉ SSL/TLS rất cần thiết và quan trọng với website không chỉ ở khía cạnh kỹ thuật mà còn là công cụ để bạn xây dựng và duy trì niềm tin với khách hàng. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ không còn băn khoăn về SSL là gì và biết cách chọn chứng chỉ SSL/TLS phù hợp với website của mình. Nếu bạn cần đọc thêm các bài viết về kiến thức website, bạn nhấp vào đây nhé! Chúc bạn thành công nhé!