Địa chỉ website là thứ không thể thiếu trong khâu chuẩn bị làm website. Nhưng địa chỉ website là gì? Tại sao bạn lại cần nó? Bài viết này sẽ phần nào giải đáp cho bạn các câu hỏi liên quan đến địa chỉ website là gì. Cùng xem nhé!
Địa chỉ website là gì?
Địa chỉ website hay còn gọi là domain (tên miền). Nó là một địa chỉ vật lý giúp các thiết bị định tuyến vệ tinh dẫn đường. Nói một cách đơn giản hơn, địa chỉ website chính là đường link hay URL bạn thường gõ trên thanh địa chỉ của trình duyệt web để truy cập đến website bạn muốn tới.
Địa chỉ trang web có thể đại diện cho trang chủ của trang web, hình ảnh, phim hoặc một tệp có sẵn trên máy chủ để xem, xử lý hoặc tải xuống. Chúng cũng có thể được nhúng vào các trang web dưới dạng hyperlink (siêu liên kết) để dẫn người dùng đến các vị trí khác trên Internet.
Mỗi website đều phải có địa chỉ website riêng tương tự như địa chỉ nhà của bạn vậy. Chỉ có một, không trùng lặp với các địa chỉ khác. Bạn không thể tìm thấy hai địa chỉ website giống nhau y đúc cùng tồn tại.
Các thành phần của một địa chỉ website là gì?
Địa chỉ website thường bao gồm 3 thành phần cơ bản: Giao thức, tên miền và đường dẫn.
Giao thức (Internet Protocol)
Giao thức mạng được đặt ở ngay đầu của địa chỉ website. Nó cho trình duyệt biết loại địa chỉ mà người dùng đang cố truy cập để trình duyệt kết nối chính xác.
Có 2 giao thức phổ biến:
- Http (HyperText Transfer Protocol) là giao thức truyền tải siêu văn bản được sử dụng trong www. Nó được dùng để truyền tải dữ liệu giữa máy chủ server đến các trình duyệt web và ngược lại.
- Https (Hyper Text Transfer Protocol Secure) là giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật. Đây là giao thức Http có sử dụng thêm SSL (Secure Sockets Layer) để mã hóa dữ liệu trong lúc truyền tải dữ liệu. Vì thế, giao thức Https là phiên bản an toàn, bảo mật hơn của giao thức Http.
Hiện nay, để bảo mật thông tin cho khách hàng tốt hơn, hầu hết các trang web đều đã chuyển sang sử dụng giao thức Https cho website của mình. Đặc biệt là những trang web có hình thức giao dịch trực tuyến qua thẻ khi thanh toán đơn hàng. Ngoài ra, trang web sử dụng giao thức Https cũng được Google đánh giá cao trong việc xếp hạng từ khóa.
Cách kiểm tra xem địa chỉ website bạn đang truy cập có sử dụng giao thức https hay không: Nhìn vào đầu thanh địa chỉ xem có biểu tượng nhỏ hình ổ khóa thì website đó có sử dụng giao thức https.
Một số trình duyệt như Firefox, Chrome, trình duyệt Opera, Safari không hiển thị giao thức trong thanh địa chỉ. Chúng chỉ được hiện khi bạn nhấp vào thanh địa chỉ.
Tên miền
Phần thứ hai trong địa chỉ website là tên miền. Đây là định danh duy nhất cho trang web trên Internet.
Tên miền là tên thay thế cho địa chỉ IP của máy chủ web – một dãy gồm 12 số rất khó nhớ. Bạn hình dung tên miền tương tự như một danh bạ điện thoại vậy. Thay vì phải nhớ những dãy số điện thoại dài với nhiều chữ số, thì bạn chỉ cần nhớ tên của người sở hữu số điện thoại đó. Tên miền được sử dụng để giúp người dùng truy cập một trang web cụ thể dễ dàng hơn. Về cơ bản, nó cho biết máy chủ web nào đang được yêu cầu.
Thành phần của tên miền
Tên miền gồm chuỗi các ký tự được ngăn cách nhau bởi dấu chấm. Gồm: subdomain, tên của website (domain name), Top Level Domain Name (TLD).
Top Level Domain (TLD) là phần mở rộng sau dấu chấm cuối cùng của tên miền. Đây là tên miền cấp cao nhất. TLD có hai loại là:
- ccTLD: Là loại tên miền cấp cao nhất phân theo các quốc gia. Gồm 2 chữ cái viết tắt cho mã quốc gia của các nước tham gia internet được quy định theo tiêu chuẩn ISO-3166. Ví dụ: .vn, .au, .uk,..
- gTLDs: Là loại tên miền cấp cao chung, thường được chia theo các loại lĩnh vực chủ yếu của website. Ví dụ: .com, .net, .edu,…
Các tên miền thường rõ ràng, dễ nhớ và tạo được dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Thông thường, các công ty sẽ lấy luôn tên công ty hoặc lĩnh vực kinh doanh để làm tên miền. Lưu ý: Không đặt tên miền khó nhớ hoặc quá dài. Vì sẽ mang đến những rắc rối khi khách hàng nhập và nhớ chúng. Đôi khi còn gây mất thiện cảm với khách truy cập. Nếu bạn muốn biết chi tiết hơn về các lưu ý khi chọn tên miền và cách đăng ký tên miền thì nhấp vào đây nhé!
Đường dẫn
Đường dẫn nằm ở cuối địa chỉ website, có thể có hoặc không. Nó sẽ chỉ định toàn bộ đường dẫn đến một trang web cụ thể mà người dùng muốn truy cập. Người dùng có thể nhập toàn bộ đường dẫn của trang web cụ thể nếu họ biết. Nếu không có đường dẫn nào được chỉ định, tức là người dùng chỉ nhập tên miền thì trình duyệt sẽ tải trang mặc định, còn được gọi là trang chủ của trang web. Từ đó, người dùng có thể điều hướng đến trang web mong muốn.
Ví dụ: Trên thanh địa chỉ của trình duyệt web, bạn nhập puramu.com để đến trang chủ của Puramu. Nếu bạn biết đường dẫn đến trang blog, bạn có thể nhập trực tiếp: puramu.com/blog.
Tóm lại thì các thành phần của địa chỉ website, ví dụ như website của Puramu: https://www.puramu.com/(blog). Trong đó sẽ có:
- https: Giao thức
- www.puramu.com: Tên miền
- blog: Đường dẫn đến trang blog của website Puramu.
Lợi ích của địa chỉ website là gì?
Một trang web cần có địa chỉ website riêng biệt để có thể hoạt động trên không gian mạng. Có thể thấy, địa chỉ website là thứ bạn cần phải có để khách hàng vào được trang web của bạn. Đó cũng chính là phương tiện để bạn có thể tiếp cận khách hàng từ mọi nơi, mọi lúc.
Địa chỉ website riêng còn có thể tạo được hệ thống thông tin liên hệ đồng bộ và chuyên nghiệp qua email. Ví dụ: tạo địa chỉ email trên tên miền doanh nghiệp như support@tenmien.com, sales@tenmien.com, info@tenmien.com. Sở hữu hệ thống mail như trên sẽ góp phần tạo nên sự chuyên nghiệp và được khách hàng đánh giá cao chất lượng doanh nghiệp của bạn.
Lưu ý: Để trang web có thể đi vào hoạt động, bạn cần đăng ký cả tên miền và hosting. Ví website như một ngôi nhà thì tên miền sẽ là địa chỉ nhà, còn hosting sẽ là mảnh đất. Tên miền giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy trang web của bạn. Còn hosting chính là không gian trên máy chủ, nơi chứa toàn bộ nội dung trang web của bạn.
Vòng đời của địa chỉ website
Chu kỳ vòng đời điển hình của một địa chỉ website (đối với tên miền Việt Nam):
- Tên miền tự do: Đây là tên miền mới hoàn toàn, không trùng với bất cứ tên miền nào đã và đang tồn tại. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký tên miền tự do để sử dụng hợp pháp.
- Tên miền đã đăng ký: Tên miền sau khi được đăng ký sẽ được đưa vào sử dụng và gia hạn sau khoảng thời gian từ 1-10 năm tuỳ vào thời gian đăng ký ban đầu. Thời hạn sử dụng tên miền sẽ được xác định khi bạn đăng ký tên miền.
- Sau khi thời hạn đăng ký đã hết, bạn sẽ được yêu cầu gia hạn tên miền.
- Nếu không đăng ký gia hạn tên miền trong 5 ngày đầu kể từ ngày hết hạn, địa chỉ website sẽ tạm dừng hoạt động.
- Tình trạng tạm dừng hoạt động sẽ diễn ra trong 30 ngày tiếp theo. Và cuối cùng là ngừng hoạt động hoàn toàn nếu bạn vẫn không gia hạn.
- Khi ở trạng thái ngừng hoạt động hoàn toàn, tên miền bạn đã đăng ký sẽ bắt đầu bị xoá trắng thông tin và trở thành tên miền tự do. Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký sử dụng tên miền tự do này.
Do đó, tên miền sẽ không thuộc quyền sở hữu của ai vô thời hạn. Sau khi hết thời hạn hoạt động, chúng ta cần gia hạn tên miền nếu muốn tiếp tục sử dụng nó.
Tổng kết
Trên đây là tất cả các thông tin về địa chỉ website. Qua bài viết này, bạn cũng đã nắm được địa chỉ website là gì, các thành phần, lợi ích và vòng đời của địa chỉ website. Hy vọng đây là những kiến thức giúp ích cho quá trình chuẩn bị phát triển website của bạn.
À, nếu trong tương lai bạn cần chỉnh sửa URL trong WordPress bạn có thể làm theo hướng dẫn trong bài viết này mà không phải lo ảnh hưởng đến website hiện tại đấy!