Trong quá trình xây dựng và phát triển website, mọi người thường tìm cách tối ưu hoá website để phục vụ người dùng tốt hơn. Hiểu được điều đó nên hôm nay Puramu sẽ giới thiệu đến bạn kỹ thuật Web Caching. Web Caching là một trong những ứng dụng của nguyên lý cache vào môi trường web nhằm cải thiện hiệu suất cho website và tăng trải nghiệm người dùng khi truy cập website. Trong bài này, Puramu sẽ đi sâu về vào Web Caching là gì, cơ chế hoạt động của nó. Thêm vào đó là hướng dẫn cách xoá cache trang web WordPress và trình duyệt. Đây là một bước quan trọng để đảm bảo rằng nội dung mới nhất được hiển thị cho người dùng mà vẫn tận dụng được lợi ích của web caching.
Web caching là gì?
Web caching là một kỹ thuật được sử dụng phổ biến để tối ưu hiệu suất website. Nó sẽ lưu trữ bản sao dữ liệu trang web vào bộ nhớ đệm cache dưới dạng mã nhị phân để tái sử dụng cho các lần sau. Dữ liệu được lấy từ cache giúp rút ngắn thời gian tải trang, tăng tốc độ phản hồi và giảm tải cho máy chủ. Thay vì chỉ tập trung vào tối ưu hoá máy chủ thì sử dụng web caching tương tự như việc bạn thêm một người trợ lý vào, san sẻ công việc cho máy chủ. Máy chủ sẽ xử lý các yêu cầu từ người dùng nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Sự khác biệt giữa web sử dụng web caching và web không sử dụng web caching
Khi website không sử dụng web caching:
Khi có người dùng truy cập website, trình duyệt sẽ gửi yêu cầu đến máy chủ web. Máy chủ sẽ phản hồi trực tiếp các nội dung tĩnh đến trình duyệt. Còn các nội dung động máy chủ sẽ nhận, xử lý yêu cầu và thực hiện việc giao tiếp với cơ sở dữ liệu nếu cần thiết. Sau đó, trả kết quả trang web hiển thị dưới dạng tệp HTML tới trình duyệt web của khách. Mỗi lần người dùng truy cập, trang web sẽ thực hiện quy trình xử lý này lại từ đầu.
Khi website có sử dụng web caching:
Khi có người dùng truy cập website, trình duyệt gửi yêu cầu đến máy chủ web. Máy chủ sẽ phản hồi trực tiếp các nội dung tĩnh đến trình duyệt. Ngoài ra, hệ thống còn xem xét nội dung động đã có trong cache chưa trước khi xử lí các bước tiếp theo.
Nếu dữ liệu chưa có trong cache hoặc dữ liệu cache đã hết hạn, hệ thống sẽ gửi yêu cầu đến máy chủ để lấy dữ liệu mới nhất. Bản sao dữ liệu đó sẽ được lưu trữ vào cache trong khi máy chủ xử lý yêu cầu hoặc sau khi trả kết quả cho khách hàng. Khi có yêu cầu nội dung giống hệt lặp lại trong tương lai, hệ thống sẽ lấy bản sao nội dung động từ cache thay vì phải xử lý yêu cầu đó lại từ đầu. Do đó giúp giảm bớt thời gian tải trang và giảm tải cho máy chủ ở các yêu cầu tiếp theo.
Từ 2 cách hoạt động trên, bạn có thể thấy, trang web sử dụng web caching sẽ có tốc độ nhanh và hiệu quả hơn. Đặc biệt là khi phục vụ nội dung được người dùng truy cập lại nhiều lần. Sử dụng web caching cho trang web không chỉ cải thiện tốc độ website mà còn giúp tiết kiệm băng thông cho máy chủ.
Ưu và nhược điểm của web caching là gì?
Ưu điểm
- Tăng tốc độ truy cập: Các dữ liệu được lấy từ cache thay vì phải truy xuất từ máy chủ gốc nên thời gian tải trang nhanh hơn. Trang web tải mượt mà góp phần mang lại trải nghiệm tốt và sự hài lòng cho người dùng.
- Giảm tải cho máy chủ: Cache san sẻ công việc với máy chủ nên số lượng yêu cầu trực tiếp đến máy chủ hoặc cơ sở dữ liệu sẽ được giảm đi. Hệ thống phục vụ được nhiều yêu cầu hơn mà không cần sử dụng đến tài nguyên máy chủ. Điều này giúp giảm tải, tăng hiệu suất cho máy chủ, nhất là khi lưu lượng truy cập tăng cao.
- Tiết kiệm băng thông: Khi có cache, website sẽ tải dữ liệu một lần và sử dụng lại nhiều lần. Vì thế, giảm được lượng tiêu thụ băng thông, tài nguyên. Thêm vào đó, chi phí vận hành và bảo trì cũng được giảm theo. Đây cũng được xem là cách để tối ưu nguồn ngân sách hoạt động cho website.
- Khả năng hoạt động offline: Cache trình duyệt cho phép người dùng truy cập vào nội dung họ đã kết nối trước đó và còn lưu trữ trong cache mà không cần kết nối internet.
- Có thể hỗ trợ khi máy chủ gặp sự cố: Nếu không may máy chủ gốc gặp sự cố, cache có thể cung cấp nội dung mà không cần truy cập đến máy chủ gốc. Nhờ đó, website vẫn duy trì được hoạt động.
- Hỗ trợ SEO: Web caching cũng góp một phần giúp website SEO tốt hơn. Do website sử dụng web caching có tốc độ tải trang tốt nên dễ dàng đạt các chỉ tiêu đánh giá Web Vitals của Google.
Nhược điểm
- Có thể hiển thị dữ liệu cũ: Nếu trang web đã được cập nhật hay chỉnh sửa mà bạn không xoá cache đi thì sẽ xảy ra tình huống website hiển thị dữ liệu và nội dung cũ. Bạn chỉ cần xoá cache là có thể giải quyết được vấn đề này!
- Tinh chỉnh phức tạp: Để cache có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất, bảo mật và hạn chế lỗi xảy ra thì bạn cần phải tinh chỉnh rất nhiều chức năng, đặc biệt trong các hệ thống web lớn và phức tạp.
- Dung lượng bộ nhớ: Cache có thể chiếm khá nhiều không gian lưu trữ trên thiết bị, đặc biệt khi lưu trữ dữ liệu lớn hoặc nhiều loại dữ liệu khác nhau.
- Rủi ro về bảo mật: Nếu cache không được bảo mật tốt, nó có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công nhằm đánh cắp thông tin.
- Phát sinh lỗi: Cache có thể gây lỗi hoặc xung đột với những thành phần bên trong website. Ví dụ: Phiên bản mới của trang web không tương thích với dữ liệu đã được lưu trong cache.
- Tốc độ chậm hơn sau khi xoá cache: Sau khi xóa cache, website có thể tải chậm hơn một chút vào lúc đầu do nó cần phải tạo cache mới. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra một lần. Sau đó, trang web sẽ quay trở lại tốc độ bình thường.
Trường hợp nào cần sử dụng web caching
Những ưu điểm của web caching mà Puramu đã đề cập ở phần trên cũng phần nào cho chúng ta thấy được rằng: Bất cứ website nào cũng được hưởng lợi khi sử dụng web caching. Nó có thể tăng tốc độ website, tối ưu hoá thêm cho máy chủ, giảm chi phí vận hành website,… Bất cứ website nào cũng cần các điều đó. Puramu khuyên bạn nên tìm hiểu và thiết lập web caching cho website của mình càng sớm càng tốt. Web caching chính là nền tảng để bạn xây dựng website mạnh mẽ.
Có mấy loại Web caching?
Web caching được chia làm 2 loại chính: Web Caching phía trình duyệt và Web Caching phía máy chủ.
Web caching phía trình duyệt
Trình duyệt web lưu trữ bản sao nội dung trang web như trang HTML, các hình ảnh và tài nguyên khác (đã truy cập trước đó) vào bộ nhớ đệm của trình duyệt trên thiết bị đang truy cập. Khi người dùng truy cập lại trang đó, nội dung sẽ được lấy từ cache của trình duyệt thay vì từ máy chủ web. Trường hợp này bạn sẽ thường gặp khi nhấn nút Back của trình duyệt để quay lại trang trước đó. Nếu để ý bạn sẽ thấy trang phản hồi nhanh hơn nhiều so với lần truy cập trước đó.
Cơ chế hoạt động
Bộ nhớ cache của trình duyệt hoạt động dựa trên một số nguyên tắc và thuộc tính sau để quản lý cách trình duyệt lưu trữ và sử dụng dữ liệu từ cache. Điều này đảm bảo dữ liệu được cập nhật và hợp lệ khi có sự thay đổi trên máy chủ.
- Thuộc tính trạng thái như:
Cache-Control
,Expires
,Last-Modified
vàETag
. Các thuộc tính trạng thái này giúp trình duyệt và máy chủ quyết định “liệu dữ liệu nào cần được lưu trữ trong cache?” và “khi nào dữ liệu cần được làm mới?”. - Cache-Control như:
no-cache
,no-store
,max-age
,private
,public
vàmust-revalidate
. Cache-Control dùng để thiết lập các nguyên tắc quản lý cache. - Expires và Max-Age: Dùng để quy định thời gian lưu trữ dữ liệu trong cache trước khi cần phải cập nhật lại.
- Last-Modified và ETag: Giúp trình duyệt kiểm tra xem phiên bản dữ liệu trong cache có còn giống với dữ liệu trên máy chủ không.
- Validation: Dùng để yêu cầu máy chủ xác minh phiên bản dữ liệu hiện tại còn hợp lệ hay không.
- Fetching and Storing: Khi người dùng truy cập trang web, trình duyệt sẽ kiểm tra cache. Nếu dữ liệu có sẵn và hợp lệ, trình duyệt sẽ sử dụng dữ liệu từ cache. Nếu không, nó sẽ yêu cầu dữ liệu từ máy chủ và cập nhật cache.
- Cache Invalidation: Dữ liệu trong cache có thể bị xóa hoặc làm mới khi nó hết hạn, không còn hợp lệ hoặc khi có sự thay đổi trên máy chủ.
- Cache Partitioning: Để đảm bảo bảo mật và quyền riêng tư, trình duyệt có thể phân chia cache dựa trên nguồn gốc của dữ liệu như tên miền hoặc giao thức (HTTP/HTTPS).
Web caching phía máy chủ
Caching phía máy chủ thực hiện nhiệm vụ lưu trữ các bản sao nội dung trang web, bao gồm: các nội dung động đẫ được xử lím các đối tượng dữ liệu hoặc logic, các kết quả truy vấn cơ sở dữ liệu,… Ngoài ra caching phía máy chủ cũng có một số nguyên tắc quản lí cache để đảm bảo các nội dung được trả về hợp lệ (không bị quá hạn, không bị lỗi,…)
Cơ chế hoạt động
Caching phía server sử dụng các hệ thống bộ nhớ như Memcached, Redis, Varnish Cache. Thêm vào đó, nó cũng áp dụng 4 kỹ thuật phổ biến như:
- Full-page caching: Kỹ thuật này lưu trữ bản sao toàn bộ trang web dưới dạng HTML tĩnh. Từ đó, trang web có thể phản hồi nhanh chóng các yêu cầu từ trình duyệt mà không cần phải xử lý lại toàn bộ trang.
- Object caching: Lưu trữ các đối tượng dữ liệu hoặc logic ứng dụng trên máy chủ để tái sử dụng mà không cần phải tạo lại. Ví dụ như đối tượng PHP, kết quả truy vấn cơ sở dữ liệu hoặc đối tượng ứng dụng.
- Fragment caching: Chỉ lưu trữ một phần nhỏ của trang như các chức năng, các Widget mở rộng. Kỹ thuật này hữu ích trong trường hợp một số phần của trang hay thay đổi, trong khi phần còn lại thì ít thay đổi hoặc thậm chí không thay đổi.
- Database Caching: Dùng để lưu trữ tạm thời kết quả truy vấn cơ sở dữ liệu. Kỹ thuật này giúp giảm bớt thời gian truy vấn và tải lên cơ sở dữ liệu.
Việc lưu trữ nội dung tạm thời của web caching giúp tối ưu hóa hiệu suất trang web và cải thiện trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, để nội dung hợp lệ, không bị lỗi thời so với bản gốc thì việc làm mới và cập nhật dữ liệu quan trọng không kém. Vì thế, chúng ta sẽ cũng tìm hiểu về việc xoá cache-một khía cạnh quan trọng khác của web caching trong phần tiếp sau đây.
Tại sao phải xóa cache ?
Xử lý lỗi
- Thông thường, khi trang web gặp lỗi hiệu suất, lỗi hiển thị hay chỉnh sửa web không thành công, Puramu thường hướng dẫn mọi người xoá cache. Cách làm này giúp đặt lại trạng thái mặc định cho website. Trang web sẽ hoạt động chính xác và hiển thị đúng nội dung mới nhất từ máy chủ. Bên cạnh đó, việc xóa cache định kỳ cũng có thể giúp giảm nguy cơ gây ra xung đột hoặc gặp lỗi khi người dùng truy cập trang web, đặc biệt là khi có những cập nhật mới về mã nguồn hoặc nội dung.
- Đăng nhập hay phiên làm việc bị gián đoạn: Khi cache chưa kịp cập nhật, còn lưu lại thông tin đăng nhập hay phiên làm việc cũ, bạn sẽ gặp một số khó khăn khi thao tác. Lúc này, bạn chỉ cần xoá cache là có thể giải quyết được vấn đề.
- Cache bị lỗi hay file cache lỗi có thể dẫn đến các vấn đề như: lỗi hiển thị, trang web hiển thị không đúng, hiệu suất trang web giảm đi và tăng thời gian tải trang. Trong những tình huống như vậy, giải pháp đơn giản nhất là xóa cache hỏng.
Tăng hiệu suất
Sau một thời gian dài sử dụng web caching nếu không xoá cache sẽ làm giảm đi hiệu suất của trang web hay ứng dụng. Nguyên nhân có thể do:
- Dữ liệu trong cache quá nhiều nên thời gian tìm kiếm dữ liệu lâu hơn.
- Dữ liệu lỗi gây ra sự cố khi trình duyệt cố gắng sử dụng dữ liệu đó.
- Phiên bản cũ: Cache giữ phiên bản cũ của tệp hay dữ liệu làm cho trình duyệt phải tải phiên bản mới từ máy chủ. Lúc này, thời gian phản hồi sẽ bị chậm hơn cả lúc website không dùng cache.
- Tắc nghẽn lưu lượng mạng: Nếu cache trên máy chủ web chứa quá nhiều dữ liệu có thể gây tăng lưu lượng mạng và tốc độ truy cập trang web chậm đi.
Vì thế, xoá cache giúp tiết kiệm thời gian truy cập dữ liệu và tăng hiệu suất cho hệ thống.
Giải phóng không gian lưu trữ
Sau một khoảng thời gian sử dụng web caching thì bộ nhớ cache sẽ đầy lên và chiếm lượng lớn không gian lưu trữ. Điều này có thể làm giảm hiệu suất của trang web và cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của máy chủ. Do đó, bạn cần xoá cache để giải phóng không gian cho bộ nhớ.
Đối với điện thoại, máy tính: Bộ nhớ đệm là một trong những tác nhân gây đầy bộ nhớ máy. Khi điện thoại hay máy tính sắp hết dung lượng lưu trữ, thay vì xoá ảnh, video hay ứng dụng bạn có thể xoá bộ nhớ đệm. Ngoài ra, một số ứng dụng tốn rất nhiều GB nhưng bạn chỉ sử dụng nó vài lần hoặc không sử dụng lại. Bạn cũng nên cân nhắc xoá nó.
Bảo mật
Các dữ liệu được lưu trữ trong cache có thể liên quan đến thông tin cá nhân như thông tin đăng nhập hoặc lịch sử duyệt web. Xoá cache giúp bảo vệ thông tin cá nhân của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn sử dụng chung thiết bị với người khác. Thông qua việc xoá cache, bạn có thể ngăn chặn nguy cơ tiết lộ thông tin không mong muốn và tăng cường bảo mật cho dữ liệu cá nhân của mình.
Có nên xóa cache không?
Với website
Xóa cache không gây bất kỳ lỗi hay rắc rối gì mà còn là cách bảo dưỡng cho trang web. Tuy nhiên, chỉ nên xoá khi cần thiết. Nếu bạn cài plugin xoá cache định kỳ thì nên thiết lập thời gian xoá cách nhau xa một chút. Vì khi xoá cache máy chủ sẽ tốn thời gian tạo file phản hồi lại từ đầu. Tốc độ tải trang sẽ hơi chậm một chút ở lần đầu tiên truy cập lại là điều hiển nhiên.
Một số trường hợp bạn cần xoá cache như: Sau khi cập nhật nội dung, thiết kế trên web; sau khi cài đặt hay cập nhật plugin, lỗi hiển thị.
Với trình duyệt
Thiết bị sẽ lấy các dữ liệu lưu trữ trong trình duyệt mà không phải khởi tạo lại liên tục. Khi xoá cache, thiết bị phải khởi tạo lại dữ liệu khi bạn truy cập lại. Thêm vào đó, trình duyệt có tính năng tự động ghi đè cache nên bạn không cần phải xoá cache thường xuyên. Khi thấy trình duyệt chạy chậm hay website hiển thị không đúng nội dung thì bạn mới nên xoá cache. Ngoài ra, khi sử dụng thiết bị công cộng bạn nên xoá cache để bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, khi xoá cache các lần truy cập tiếp theo của bạn sẽ chậm đi một chút so với bình thường.
Tóm lại, bạn chỉ nên xóa cache khi thực sự cần thiết, không nên xóa cache mà không có lý do cụ thể.
Cách xóa bộ nhớ đệm Cache trong WordPress
Xoá cache trong phần cài đặt của các plugin cache WordPress
Plugin WP Rocket
Plugin WP Rocket được đánh giá là plugin tối ưu hoá WordPress tốt nhất hiện nay. WP Rocket có giao diện dễ sử dụng, cài đặt đơn giản nên sẽ không gây trở ngại gì trong quá trình sử dụng nó. Để an toàn khi lần đầu tiên cài plugin bạn có thể tham khảo bài viết này của Puramu trước nhé! Plugin này tích hợp nhiều tính năng cao cấp cho việc tối ưu tốc độ như: lazy loading (chỉ tải ảnh khi người dùng lướt trang gần đến hình ảnh), hỗ trợ minify và nén file,… Tuy nhiên, bạn phải mất phí để sử dụng plugin này. Mặc dù, plugin có tính năng tự động hóa nhưng bạn cần phải có kiến thức lập trình để thiết lập các tính năng nâng cao phù hợp với trang web của mình.
Hướng dẫn:
- Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress.
- Bước 2: Trên thanh menu trên cùng, nhấp vào mục WP Rocket.
- Bước 3: Chọn Clear Cache để xoá bộ nhớ cache.
Plugin WP Super Cache
Plugin WP Super Cache hiện nay khá là phổ biến do miễn phí và dễ sử dụng, thiết lập. Đặc biệt, plugin này còn tương thích tốt với nhiều loại website WordPress. Các tính năng nổi bật của plugin:
- Bộ nhớ đệm tĩnh: Chuyển trang web động thành các trang HTML tĩnh giả giúp tăng tốc độ tải trang.
- Cung cấp nhiều mức độ cache (Mod_Rewrite, PHP và Legacy).
- Tạo trước bộ nhớ đệm: Tạo bộ nhớ đệm cho toàn bộ trang web tự động giúp website luôn tải nhanh ngay cả khi có người truy cập vào trang lần đầu tiên.
- Hỗ trợ tạo bộ nhớ đệm riêng cho các thiết bị di động giúp tối ưu hóa hiệu suất website trên mọi thiết bị.
- Hỗ trợ CDN (Content Delivery Network).
Nhược điểm:
- Thiếu một số tính năng cao cấp .
- Giao diện không được đẹp mắt bằng một số plugin khác.
Hướng dẫn:
- Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress.
- Bước 2: Trên thanh menu trên cùng, nhấp vào mục “Delete Cache”.
Plugin W3 Total Cache
Plugin W3 Total Cache là plugin miễn phí cung cấp các tính năng cao cấp và cho phép bạn tinh chỉnh chi tiết. Plugin này tích hợp được cả CDN, hỗ trợ minify và HTTP compression để giảm thời gian tải trang. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ các dạng cache như Object Cache, Page Cache, Browser Cache. Tuy nhiên, plugin sẽ hơi phức tạp với người mới sử dụng WordPress nên bạn cần cẩn thận để tránh xảy ra lỗi.
Hướng dẫn:
- Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress.
- Bước 2: Trên thanh menu trên cùng, bạn sẽ thấy mục Performance. Di chuột qua đó.
- Bước 3: Chọn Purge All Caches để xoá bộ nhớ cache.
Cách xóa bộ nhớ cache trên dịch vụ hosting
Hiện nay, nhiều nhà cung cấp dịch vụ hosting tích hợp các giải pháp tạo bộ nhớ cache để tăng hiệu suất và giảm tải cho máy chủ của họ. Điều này giúp trang web bạn tải nhanh hơn và giảm thiểu thời gian phản hồi từ máy chủ. Tuy nhiên nó có thể gây ra các vấn đề mà cache gặp phải mà Puramu đã phân tích bên trên.
Bạn có thể xóa cache từ dịch vụ hosting bằng cách:
- Qua bảng điều khiển: Một số hosting cung cấp giao diện điều khiển (như cPanel, Plesk) có tích hợp công cụ để quản lý và xóa bộ nhớ cache.
- Qua bộ phận hỗ trợ: Bạn có thể liên hệ với bộ phận hỗ trợ của nhà cung cấp hosting để được hướng dẫn xóa cache.
- Qua plugin hoặc công cụ trên trang web: Bạn có thể xóa cache bằng cách cài plugin hoặc công cụ quản lý cache. Plugin sẽ được đặt ở ngay menu của trang quản trị trang web.
Bên dưới đây là hướng dẫn xoá cache hosting cho các dịch vụ hosting phổ biến. Bạn có thể sẽ bất ngờ khi trong danh sách bên dưới không bao gồm bất cứ nhà cung cấp hosting nào tại Việt Nam như: AZdigi, TinoHost, Nhân Hoà,… Lí do đơn giản là do hiện tại các nhà cung cấp hosting ở Việt Nam chưa cung cấp các giải pháp cache tối ưu riêng cho hệ thống hosting của họ.
Xóa bộ nhớ Cache của WP Engine
WP Engine là một công ty lưu trữ web cung cấp dịch vụ cho các trang web và ứng dụng WordPress. WP Engine cung cấp giải pháp bộ nhớ cache của riêng họ nên khách hàng không cần cài đặt Plugin cache thêm từ bên thứ ba.
Bạn có thể xóa bộ nhớ cache của WP Engine ngay trên trang quản trị admin WordPress. Đầu tiên, bạn nhấp vào menu WP Engine trong thanh quản trị. Sau đó, chọn tab Caching rồi nhấp vào nút “Clear all caches” để xóa tất cả bộ nhớ cache. Vậy là xong! WP Engine sẽ xóa tất cả bộ nhớ Cache được lưu trữ cho trang web WordPress của bạn.
Xóa bộ nhớ Cache của Bluehost
Bluehost là một trong những nhà cung cấp dịch vụ hosting hàng đầu trên thế giới. Bluehost cung cấp tính năng bộ nhớ đệm (Caching) tích hợp dành riêng cho WordPress gọi là Endurance Page Cache giúp tăng tốc độ tải trang và tăng hiệu suất trang web.
Bạn có thể xóa bộ nhớ Cache Bluehost WordPress của mình trong trang quản trị admin WordPress. Các bước thực hiện khá đơn giản. Bạn chỉ cần đăng nhập vào trang quản trị WordPress. Bạn sẽ thấy nút Bộ nhớ đệm (Caching) trên thanh công cụ. Nhấp chuột vào đó, bạn sẽ thấy tùy chọn Xóa bộ nhớ Cache. Bluehost sẽ xóa tất cả các tệp khỏi bộ nhớ Cache WordPress của bạn.
Xóa bộ nhớ Cache của SiteGround
SiteGround là nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web hàng đầu. SiteGround khá nổi tiếng do việc đảm bảo thời gian hoạt động của website lên đến 99.9% và tốc độ truy cập nhanh, chỉ khoảng 311ms.
Hướng dẫn xóa bộ nhớ Cache của SiteGround:
Đăng nhập vào Site Tools. Tìm đến mục Speed -> chọn Caching -> chọn Dynamic cache. Sau đó, bạn sẽ thấy danh sách các website bạn đặt trên hosting trong tab Dynamic cache. Nhấp vào icon “cây chổi” kế bên tên website để xoá cache cho website đó.
Hướng dẫn cách xóa cache trình duyệt máy tính
Mỗi trình duyệt trên máy tính sẽ có cách xoá bộ nhớ đệm cache khác nhau. Puramu sẽ hướng dẫn xoá bộ nhớ đệm cache trên một số trình duyệt máy tính được nhiều người sử dụng như: Chrome, Firefox, Safari và Microsoft Edge. Với mọi trình duyệt này, bạn có thể đến thẳng trang xoá cache bằng cách dùng tổ hợp phím tắt:
- Với máy Windows: Ctrl + Shift + Delete.
- Với máy Mac OS: Command + Shift + Delete.
Sau đó, bạn làm theo các bước hướng dẫn bên dưới là được!
Cách xóa cache trên trình duyệt Chrome
- Bước 1: (bỏ qua bước này nếu bạn đã dùng phím tắt) Mở trình duyệt Google Chrome, nhấp vào biểu tượng ba dấu chấm dọc bên dưới icon X (icon bạn nhấp vào khi muốn thoát trình duyệt). Sau đó, nhấp chọn Settings.
- Bước 2: (bỏ qua bước này nếu bạn đã dùng phím tắt) Nhấp vào mục History -> chọn tiếp History để mở lịch sử duyệt web của bạn. Sau đó, chọn mục Clear browsing data ở bên tay trái.
- Bước 3: Ở mục time range bạn chọn khung thời gian muốn xoá (24 giờ qua, 7 ngày qua, 4 tuần qua hay từ trước đến nay). Sau đó, tick vào dữ liệu bạn muốn xoá (Browsing history, cookies hay cached images and files).
- Bước 4: Sau khi đã lựa chọn xong, bạn nhấp vào Clear date để xoá cache.
Cách xóa cache trên trình duyệt Firefox
- Bước 1: (bỏ qua bước này nếu bạn đã dùng phím tắt) Mở trình duyệt Firefox, nhấp vào biểu tượng ba gạch ngang bên dưới icon X (icon bạn nhấp vào khi muốn thoát trình duyệt). Sau đó, nhấp chọn History và chọn Clear Recent History.
- Bước 2: Ở mục time range bạn chọn khung thời gian muốn xoá. Sau đó, tick vào dữ liệu bạn muốn xoá.
- Bước 3: Sau khi đã lựa chọn xong, bạn nhấp vào Clear now để xóa cache.
Cách xóa cache trên trình duyệt Safari
- Bước 1: (bỏ qua bước này nếu bạn đã dùng phím tắt) Ở phía trên trình duyệt, chọn tab History -> chọn Clear History.
- Bước 2: Chọn khung thời gian muốn xoá. Nếu muốn xóa hết toàn bộ dữ liệu, chọn All history.
- Bước 3: Sau khi đã lựa chọn xong, bạn nhấp vào Clear History để xóa dữ liệu. Thao tác này sẽ xóa tất cả lịch sử, cache, cookies của bạn.
Cách xóa cache trên trình duyệt Microsoft Edge
- Bước 1: (bỏ qua bước này nếu bạn đã dùng phím tắt) Nhấp vào biểu tượng dấu ba chấm (…) bên dưới icon mở rộng/thu nhỏ tab trình duyệt. Sau đó, chọn History.
- Bước 2: Cửa sổ History hiện lên, chọn icon thùng rác. Sau đó, chọn khung thời gian muốn xoá (24 giờ qua, 7 ngày qua, 4 tuần qua hay từ trước đến nay) ở mục time range. Tiếp theo, tick vào dữ liệu bạn muốn xoá ở bên dưới.
- Bước 3: Sau khi đã lựa chọn xong, bạn nhấp vào Clear now để xoá cache.
Ngoài ra, bạn có thể cài tự động xóa cache mỗi khi đóng trình duyệt bằng cách:
- Bước 1: Nhấp vào biểu tượng dấu ba chấm (…) bên dưới icon mở rộng/thu nhỏ tab trình duyệt. Sau đó, chọn Settings.
- Bước 2: Chọn mục Privacy, search, and services ở bên tay phải. Tại mục Clear browsing data, nhấp vào Choose what to clear every time you close the browser.
- Bước 3: Nhấp vào loại dữ liệu bạn muốn xoá là xong.
Hướng dẫn cách xóa cache trên trình duyệt điện thoại
Cách xóa bộ nhớ cache trên trình duyệt Safari (iOS)
- Bước 1: Vào Cài đặt, gõ tìm Safari trên thanh tìm kiếm.
- Bước 2: Kéo xuống dưới chọn “Xoá lịch sử và dữ liệu trang web” -> chọn Xoá lịch sử và dữ liệu -> chọn Đóng các tab hoặc Giữ các tab. Vậy là xong! Thao tác này sẽ xoá tất cả lịch sử, cache, cookies.
Cách xóa bộ nhớ cache trên trình duyệt Google Chrome
Trên điện thoại Android
- Bước 1: Mở trình duyệt Chrome, nhấp vào biểu tượng ba dấu chấm dọc ở góc trên cùng bên phải màn hình. Tiếp đó, chọn Nhật ký rồi chọn Xoá dữ liệu duyệt web.
- Bước 2: Chọn thời gian muốn xoá ở mục Phạm vi thời gian. Tiếp theo, tick vào dữ liệu (lịch sử, cookie, têp và hình ảnh) bạn muốn xoá ở bên dưới.
- Bước 3: Nhấp vào Xoá dữ liệu là xong!
Trên điện thoại iOS
- Bước 1: Mở trình duyệt Chrome, nhấp vào biểu tượng ba chấm (…) ở góc phải dưới cùng màn hình. Tiếp đó, chọn Xoá dữ liệu duyệt web.
- Bước 2: Chọn thời gian muốn xoá ở mục Phạm vi thời gian. Tiếp theo, tick vào dữ liệu (lịch sử, cookie, têp và hình ảnh) bạn muốn xoá ở bên dưới.
- Bước 3: Nhấp vào Xoá dữ liệu duyệt web rồi chọn tiếp Xoá dữ liệu duyệt web là xong!
Cách xóa cache trên trình duyệt Mozilla FireFox
Trên điện thoại Android
- Bước 1: Mở trình duyệt Mozilla FireFox, nhấp vào biểu tượng ba dấu chấm dọc ở góc trên cùng bên phải màn hình. Sau đó, chọn Lịch sử.
- Bước 2: Nhấp vào icon thùng rác ở góc trên cùng bên phải màn hình.
- Bước 3: Chọn khung thời gian muốn xoá rồi chọn Xoá là xong.
Trên điện thoại iOS
- Bước 1: Mở trình duyệt Mozilla FireFox, nhấp vào biểu tượng ba chấm (…) ở góc dưới cùng bên phải màn hình. Tiếp đó, chọn Lịch sử.
- Bước 2: Nhấp vào icon thùng rác ở góc dưới cùng bên trái màn hình.
- Bước 3: Chọn khung thời gian muốn xoá rồi chọn Xoá là xong.
Bài viết này Puramu đã cung cấp kiến thức tổng quát của web caching cho bạn, từ khái niệm web caching là gì đến cách xoá cache trên trình duyệt và website WordPress. Hy vọng bạn sẽ áp dụng được để tận dụng được tối đa lợi ích mà web caching mang lại.